Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Đừng cho chúng tôi sổ gạo, hãy cho chúng tôi cả cánh đồng !

(TGĐA) -Đọc dự án Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tôi khá xúc động. Đây là trí tuệ, sự đau đáu, dũng cảm nhìn thẳng vào thực trạng của điện ảnh Việt Nam. Nhưng quả thực đọc xong, tôi vẫn thấy có gì đó lướng vướng, có cảm giác như kiến bò miệng chén . Vì vậy tôi xin mạo muội đóng góp đôi lời, nếu có gì vụng dại, xin được lượng thứ.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc

Điện ảnh Cách mạnh Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không chỉ đóng góp bằng tác phẩm, mà còn góp cả máu xương. Trong các ngành nghệ thuật, điện ảnh là ngành có nhiều liệt sỹ nhất.

Nay bước vào thế kỷ 21, đối mặt với nền kinh tế thị trường, điện ảnh có nhiệm vụ mới, đó vừa là ngành nghệ thuật có thế mạnh, vừa là ngành công nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp (trích Dự án, trang 4). Nói cách khác, trong kinh tế thị trường, điện ảnh có thể kiếm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền.

Vậy kinh doanh điện ảnh là như thế nào? Câu hỏi đó khiến rất nhiều nghệ sỹ điện ảnh lúng túng.

Thôi thì cứ nhìn xem người Mỹ kinh doanh điện ảnh ra sao :

Theo cuốn “Phim Art” -Đại học Winconsin-Madison (Hoa Kỳ), cuốn sách giảng về điện ảnh cho sinh viên toàn thế giới, thì ở Mỹ, 6 hãng phim lớn-Waner Bros, Paramount, Disney, Columbia, Century Fox và Universal – cũng đồng thời là 6 nhà phát hành phim khổng lồ, cung cấp giải trí có tính chính thống cho hệ thống các rạp chiếu bóng liên hoàn trên toàn thế giới. Tất cả những nhà phát hành phim đó đều thuộc về các Tổng Công ty Siêu quốc gia chuyên hoạt động trong lĩnh vực giải trí.

Nước Mỹ một năm sản xuất vài trăm phim truyện, nhưng chỉ khoảng 10% số phim này có lãi, và số lượng khán giả kéo đến rạp xem phim cũng chỉ khoảng 20%. Phim Art đi đến một kết luận như sau: ở ngay thị trường Mỹ, tình hình phổ biến là một bộ phim ăn khách chỉ có thể hòa vốn hoặc đem lại chút lãi, sau khi được phát hành qua cáp, vệ tinh hoặc video xem tại nhà. Kết luận này khiến chúng ta ngỡ ngàng, nhưng nó vạch rõ cho chúng ta một sự thật mà bấy lâu nay chúng ta còn mù mờ: ngay cả một nền điện ảnh hùng mạnh bậc nhất như điện ảnh Mỹ, nếu chỉ chiếu phim loanh quanh trong phạm vi nội địa, cũng khó lòng tồn tại.

Để tồn tại và phát triển, điện ảnh Mỹ phải tìm cách bành trướng ra phạm vi toàn cầu. Nguồn thu chiếu bóng của Mỹ ở ngoài nước bao giờ cũng cao hơn ở trong nước. Phim Art cho biết: năm 2001, tổng doanh thu chiếu bóng của Mỹ trên phạm vi toàn cầu đạt mức 17, 5 tỉ đô-la. Thị trường Mỹ khoảng 40%, các thị trường khác khoảng 60 %, trong đó hai thị trường sinh lời nhiều nhất là Tây Âu và Nhật Bản.


Thêm một nguồn thu đáng kể nữa của điện ảnh Mỹ là phát hành đĩa DVD. Có những bộ phim Mỹ, doanh thu chiếu bong chỉ đạt 20-30%, nhưng doanh thu từ việc phát hành DVD lên tới 60-70 %. Các công ty phát hành lên kế hoạch rất chu đáo về việc tìm mọi cách kinh doanh tối đa sản phẩm điện ảnh của mình. Kết quả phim video xuất hiện trước hết trên hệ thống truyền hình của khách sạn, trên các chuyến bay của hàng không, trên truyền hình cáp, trên mạng Internet…Một bộ phim ăn khách còn có thể sinh lời dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn sản sinh ra những cuốn truyện tranh, những series phim truyền hình, game, quần áo, đồ dùng và các cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Các loại sản phẩm phát sinh đó đôi khi mang lại lợi nhuận đến không ngờ. Năm 1992, việc kinh doanh mở rộng của bộ phimStar Warsgặt hái được tới 2, 6 tỉ USD, gấp nhiều lần so với doanh thu của bộ phim này.

Kinh doanh điện ảnh trên phạm vi toàn cầu và tìm mọi cách để sinh lời từ sản phẩm của mình, nhưng những hãng phim lớn của Mỹ cũng kinh doanh rất đa dạng. Như đã nói ở trên, những hãng lớn đó còn là những Tổng công ty siêu quốc gia, không chỉ thuần túy kinh doanh ở lĩnh vực điện ảnh. HãngColumbia thuộc tập đoàn SONY, tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới. Hãng Disneycó cả một hệ thống công viên Disneyland ở nhiều nơi trên thế giới. Hãng Time Warnercó trong tay cả một hệ thống truyền hình với các kênh nổi tiếng như CNN, HBO…và cả một hệ thống các nhà xuất bản, các hãng sản xuất băng đĩa nhạc. Sự kinh doanh đa dạng và cũng ở phạm vi toàn cầu tạo nên nền tảng tài chính khổng lồ và vững chắc, bù đắp khi sản phẩm điên ảnh của họ thua lỗ. Và ngược lại, khi sản phẩm điện ảnh của họ có lãi, thương hiệu và các sản phẩm của họ lại được khuyếch trương.

Đương nhiên, điện ảnh Mỹ như con voi, còn điện ảnh Việt Nam như con kiến. Nhưng mô hình kinh doanhnày đã được điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc học tập, làm theo và đã thành công. Điện ảnh Việt Nam bước vào kinh tế thị trường, giống như gã trai quê ra tỉnh, ngơ ngác, lúng túng và đầy rẫy khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu…tiền. Để giải quyết khó khăn này, việc xã hội hóa là điều cấp bách và tất yếu.Xã hội hóa điện ảnh, cũng là vận động tối đa mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng điện ảnh Việt Nam phát triển. Nhưng xã hội hóa không phải là tư nhân hóa .

Bài toán xã hội hóa thành công của ngành Du lịch (nhấn mạnh Phan Thiết ) Vậy thì xã hội hóa điện ảnh sẽ phải đi theo con đường nào đây? Liệu đó có phải là việc một số tư nhân tung tiền hối hả làm phim, hối hả xây rạp, coi điện ảnh như cánh đồng hoang, có thể nhanh chóng trục lợi? Đã thấy lấp ló xu hướng này, và đó không phải là xu hướng xã hội hóa điện ảnh một cách lành mạnh. Để xã hội hóa điện ảnh, rất cần một chiến lược đúng đắn, đồng bộ, toàn diện và phải được thực hiện thận trọng, không nôn nóng, không đốt cháy giai đoạn.

Xã hội hóa điện ảnh cũng không có nghĩa là Nhà nước buông tay để cho điện ảnh muốn bơi thế nào thì bơi, muốn sống thế nào thì sống. Đã từng có những quan niệm kiểu thế này. Nên đã xảy ra tình trạng “chưa có sự thống nhất đầu tư vào điện ảnh giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư”(trích Dự án, trang 14 ). Xin nói ngay đây là quan niệm phiến diện và thiển cận. Ở Châu Âu, ngay tại các nước có nền điện ảnh lâu đời, Nhà nước vẫn có chính sách bảo hộ để chống lại sự “xâm lăng” của điện ảnh Mỹ. Tại Thụy Điển, mỗi năm Chính phủ hỗ trợ cho điện ảnh 45 triệu USD để có thể sản xuất 20-25 phim nhựa/ năm. Tại Pháp, cái nôi của nghệ thuật thứ bảy, ngay từ năm 1947, đã có luật quy định trích 20% kinh phí để hỗ trợ cho điện ảnh. Nguồn hỗ trợ 20% này được lấy từ 11% doanh thu chiếu bóng và 9% từ nguồn thu quảng cáo trên truyền hình. Chính nhờ chính sách bảo hộ đúng đắn này mà điện ảnh châu Âu vẫn tồn tại và phát triển, cùng với việc duy trì đều đặn những Liên hoan phim nổi tiếng : Cannes, Venice, Berlin…

Ngay cả ở hai quốc gia gần gũi chúng ta, nơi có nền điện ảnh đang phát triển như vũ bão là Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng đều có những chính sách hoạch định rất chặt chẽ để bảo vệ nền điện ảnh dân tộc. Ở Hàn Quốc, đã có luật bắt buộc các rạp chiếu bóng phải chiếu phim Hàn trong 146 ngày/năm . Hàn Quốc coi điện ảnh là văn hóa dựng nước.Người dân Hàn rất ủng hộ phim Hàn. Chính những điều kiện như vậy đã kích thích điện ảnh Hàn trong vòng 2 thập kỷ gần đâycó những bước tiến thần kỳ ( Điện ảnh Hàn Quốc bùng nổ từ năm 1999, với bộ phimShiri, tên một loại cá, về 1 điệp viên 2 mang, loài cá đánh đắm tàu Titanic). Từ chỗ chỉ chiếm 20% thị phần trong nước, đến nay phim Hàn đã chiếm 60% thị phần. Hơn thế nữa, điện ảnh Hàn Quốc đã vươn ra thị trường toàn cầu. Cách đây vài chục năm, Hàn Quốc xuất khẩu chủ yếu là giày dép, đồ gỗ, đồ da… Ngày nay những ngành công nghiệp ấy đã tụt hậu so với ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, một ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, vừa đem lại lợi nhuận kinh tế, vừa đóng vai tròsứ giả văn hóa.Một bộ phim hay quảng cáo cho rất nhiều lĩnh vực: văn hóa, phong tục, kiến trúc, ẩm thực, du lịch, thời trang…Làn sóng phim Hàn chẳng đã từng tạo ra làn sóng thời trang tại các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ …đó sao? Điện ảnh Hàn Quốc, nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn, đang nuôi tham vọng sẽ trở thành một trong 5 cường quốc điện ảnh hàng đầu thế giới.

Điện ảnh Trung Quốc cũng vậy. Trên các kênh của truyền hình Trung Quốc, tỷ lệ phim trong nước chiếm đến 90-95% (phim nước ngoài chỉ được chiếu vào giờ khuya, trên một số kênh nhất định). Tỷ lệ chiếu phim ngoại tại các rạp chiếu bóng ở Trung Quốc cũng không nhiều (năm 1993 Trung Quốc mới nhập phim Mỹ, hiện nay mỗi năm Trung Quốc chỉ nhập khoảng 20-30 bộ phim nước ngoài). Ngày nay, điện ảnh Trung Quốc thực sự ngang ngửa với điện ảnh Mỹ, thậm chí còn khiến điện ảnh Mỹ phải tâm phục, khẩu phục. Điện ảnh Trung Quốc cũng chỉ được thế giới biết đến từ thập niên 80 của thế kỷ 20, với những bộ phim xuất sắc nhưHoàng thổ, Cao lương đỏ. Sự cất cánh của điện ảnh Trung Quốc , chắc chắn phải bắt nguồn từ một chính sách bảo hộ đúng đắn cho sự phát triển của điện ảnh dân tộc. Trung bình mỗi năm Trung Quốc sản xuất khoảng 200 phim truyện, 1/3 số phim này được công chiếu tại rạp, số còn lại (những phim được đầu tư thấp) đều được kênh điện ảnh CCTV 6 của Đài THTW Trung Quốc mua để phát sóng. Ngoài kênh điện ảnh của ĐTHTW , Trung Quốc còn có 7 kênh điện ảnh khác nhau. Trung Quốc cũng bắt buộc các đài truyền hình phải trích 3% tổng doanh thu quảng cáo trong năm để hỗ trợ cho điện ảnh. Những chính sách này đã bảo hộ nền điện ảnh dân tộc, giúp cho điện ảnh Trung Quốc vững vàng chiếm lĩnh thị trường trong nước và thị trường toàn cầu.

Giống như điện ảnh Mỹ, điện ảnh Trung Quốc và điện ảnh Hàn Quốc cũng đã thành công trong việc xây dựng nhữngmô hình điện ảnhthành những tập đoàn mạnh, không chỉ thuần túy kinh doanh điện ảnh, mà còn kinh doanh ở rất nhiều lĩnh vực. Xin đơn cử một vài hình mẫu.

Thượng Hải là cái nôi sinh trưởng của điện ảnh Trung Quốc. Bước vào thời kỳ mở cửa, điện ảnh Thượng Hải cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức khi phải đối mặt với nền kinh tế thị trường. Từ 1996-1999, các mô hình điện ảnh thời bao cấp đã được xóa bỏ, và chuyển sang hình thức CỔ PHẦN HÓA, thành lập các công ty cổ phần. Đến năm 2001, các công ty cổ phần này đã sáp nhập để trở thành Tập đoàn phim Thượng Hải (Shanghai Film Group Corporation ) – tập đoàn điện ảnh mạnh nhất Trung Quốc.

Cảnh trong phimThiên mệnh anh hùng

Tập đoàn Thượng Hải có nhiều thành viên: Hãng phim Thượng Hải, Hãng phim Tài liệu, Trung tâm Kỹ xảo, Trung tâm Hậu kỳ, Thành phố Thiên đường Thượng Hải, Thế giới giải trí, Công viên Điện ảnh, và hệ thống các khách sạn, nhà hàng, trong đó phải kể đến khách sạn 5 sao Nữ hoàng, cao 26 tầng - liên hệ với Trung tâm chiếu phim Quốc gia của chúng ta xây thấp quá, không tận dụng hết địa thế lý tưởng). Tập đoàn có gần 4000 cán bộ, công nhân viên. Ngoài việc sản xuất phim điện ảnh và truyền hình, tập đoàn còn có nhiều hoạt động kinh doanh khác như : phát hành phim và chiếu bóng (chiếm 25% thị phần Trung Quốc), kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch, thiết kế đô thị, giao thông, các khu vui chơi, giải trí, dịch vụ làm phim hợp tác với nước ngoài, sân gôn, trường quay…Sự đa dạng trong kinh doanh đã tao ra nền tảng tài chính vững chắc, bảo đảm cho Tập đoàn một năm sản xuất từ 20-25 phim nhựa, 30 phim khoa học-giáo dục, từ 700-800 tập phim truyền hình, và khoảng trên 6000 phút phim hoạt hình…Đó quả thực là những con số đáng nể.

Ở Hàn Quốc, tập đoàn điện ảnh hùng mạnh nhất nhì cũng được xây dựng theo mô hình trên. Đó là tập đoàn CJ Entertainment. CJ có xuất xứ từ một công ty gốc của tập đoàn Sam Sung được thành lập từ năm 1953. Đúng 40 năm sau, CJ và Sam Sung tách ra thành hai công ty độc lập. Hiện tại, CJ bao gồm 85 công ty con phục vụ các tiện ích vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe con người… CJ chiếm khoảng 30% thị phần điện ảnh Hàn Quốc, đồng thời cũng là công ty phát hành cổ phiếu lớn thứ nhì tại Hàn Quốc. Ở Việt Nam, CJ cũng đang thôn tính Megastar.

Những mô hình mà điện ảnh Hàn Quốc và điện ảnh Trung Quốc đã áp dụng, và đã thành công, đó có phải là mô hình mà điện ảnh Việt Nam nên noi theo? Theo tôi, câu trả lời làCó.

Muốn vậy, điện ảnh Việt Nam phải thực hiện tốt việccổ phần hóa. Không phải là việc cổ phần hóa lẻ tẻ đơn vị này hoặc đơn vị kia, mà phảicổ phần hóa toàn bộ ngành điện ảnh,biến ngành điện ảnh thành một Tổng công ty, thành một tập đoàn kinh doanh giải trí mạnh và đa dạng. Đây cũng là cách tốt nhất để thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, mở ra khả năng vô cùng lớn cho sự phát triển chuyên nghiệp và đa dạng của điện ảnh Việt Nam.

Cổ phần hóa toàn ngành điện ảnh thành Tổng công ty Điện ảnh, có nghĩa là ngoài việc làm phim, Tổng công ty Điện ảnh còn có quyền phát hành cổ phiếu, kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, tổ chức thi hoa hậu, biểu diễn thời trang, xây dựng trường quay nhằm mục đích vừa làm phim lịch sử, vừa phục vụ khách thăm quan, tổ chức Liên hoan phim Quốc tế…Đương nhiên, ý tưởng này có thể sẽ có người cho là viển vông, ngông cuồng. Cái khó nhất là lấy tiền ở đâu ? Xin thưa chỉ cần có chiến lược đúng đắn,Tiềnsẽ tự tìm đến với chúng ta. Tôi tin rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp sẵn sàng “ nhào dô” đầu tư cho điện ảnh, nếu họ nhìn thấy ở đó có sự phát triển bền vững, đôi bên cùng có lời. (Ví dụ: xây sân gôn ở Phan Thiết).

Nhìn thẳng vào thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam, thấy đầy rẫy khó khăn và thách thức, nhưng cũng lóe lên những cơ may. Để nắm chắc thời cơ và vững vàng đương đầu với thách thức, điện ảnh Việt Nam cần có chiến lược ở tầm vĩ mô. Chiến lược ấy thể hiện ở việc Nhà nước có chính sách bảo vệ Điện ảnh dân tộc một cách đúng đắn, chặt chẽ; chiến lược ấy sẽ có những cơ chế cởi mở, thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội.Chiến lược ấy nhằm biến điện ảnh thành một tập đoàn giải trí hùng mạnh, vừa là sứ giả văn hóa, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đừng cho chúng tôi sổ gạo, hãy cho chúng tôi cảCánh đồng!

Đinh Thiên Phúc – Biên kịch