Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng Nói về việc triển khai các chương trình xây dựng nhà ở cho CNVCLĐ hiện nay, ông Trịnh Đình Dũng cho biết:
- Việc phát triển nhà ở cho CNVCLĐ thời gian qua đã được Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổng LĐLĐVN và các địa phương - đặc biệt là các địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) tập trung triển khai. Nhiều dự án quy mô lớn đã khởi công như dự án nhà ở công nhân KCN Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), dự án nhà ở xã hội tại thành phố mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương), dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá – Gia Lâm (Hà Nội)... Trên 100 dự án nhà ở cho NLĐ trên cả nước đang triển khai với quy mô xây dựng trên 2 triệu mét vuông sàn.
Triển khai xây dựng nhà ở cho CNVCLĐ còn khó khăn, bởi vốn đầu tư cho nhà ở xã hội từ ngân sách còn hạn chế, lợi nhuận từ việc đầu tư nhà ở công nhân thấp. Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước lĩnh vực này còn thiếu, không hấp dẫn các DN. Để khắc phục, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành cùng các địa phương nhằm tạo mọi điều kiện, động viên các DN phát triển nhà ở xã hội, trong đó có các dự án nhà ở cho công nhân KCN.
Thực hiện mục tiêu này, Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành, địa phương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về phát triển nhà ở xã hội nhằm khuyến khích các DN bất động sản, DN sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia phát triển các loại hình nhà ở từng bước đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thu nhập thấp, trong đó có CNVCLĐ. Nghị định này triển khai, sẽ tạo điều kiện để huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội nói chung, trong đó có nhà ở cho CNVCLĐ.
Thực tế nhiều KCN, KCX ít chú trọng đến hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, trường học, trạm y tế... Phục vụ đời sống công nhân trong KCN, KCX. Điều này có được tháo gỡ? và theo hướng nào, thưa Bộ trưởng?
- Hiện mới có khoảng 6% số KCN có nhà văn hóa, hầu như chưa có thư viện nào được đầu tư xây dựng; tỉ lệ KCN có trạm y tế, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng thấp.
Để khắc phục, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ đề án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho CNVCLĐ làm việc tại các KCN tập trung. Đặt mục tiêu đến năm 2015, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội sẽ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20% số CNVCLĐ tại các KCN; đến năm 2020 khoảng 50%. Nguồn vốn đầu tư có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và một phần xã hội hóa thông qua các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cũng như có chế tài bắt buộc các DN phải thực hiện đầu tư các công trình này.
- Xin cảm ơn ông!
|