Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Chứng khoán Trung Quốc hết thời, vốn hóa mất 748 tỷ USD

4 năm sau khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giúp kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái, thị trường cổ phiếu của nước này đang mất dần thanh thế. Chỉ số Shanghai Composite từng tăng gấp đôi trong vòng 10 tháng tính đến tháng 8/2009 khi chính phủ Trung Quốc bơm 652 tỷ USD kích thích kinh tế thì đến nay đã giảm 43% so với mức đỉnh khiến vốn hóa thị trường mất khoảng 748 tỷ USD.
Trái lại, Standard & Poor’s 500 trên thị trường Mỹ lấy lại phần đã mất do cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và tăng 68% kể từ khi chứng khoán Trung Quốc đạt đỉnh.

Năm 2009, Trung Quốc được coi là nền kinh tế “không thể đánh bại”, vượt qua Đức trở nên nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với tốc độ tăng trưởng 6% trong quý I trong khi GDP Mỹ giảm 4%. Chủ tịch nhóm thị trường mới nổi của quỹ Templeton, ông Mark Mobius, hồi tháng 7/2009 từng nhận xét, thị trường cổ phiếu Trung Quốc có thể lớn hơn cả Mỹ trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, thực tại, Trung Quốc đang có nguy cơ tăng trưởng yếu nhất kể từ những năm 1990 khi chính phủ yêu cầu hơn 1.400 doanh nghiệp đóng cửa nhà máy.

Tỷ số lợi nhuận trên cổ phiếu trong nhóm Shanghai Composite hiện đạt 10,7 lần, giảm mạnh so với mức 29 lần vào năm 2009. Cổ phiếu Trung Quốc đang rẻ hơn khoảng 34% so với cổ phiếu Mỹ. Trong 20 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài chỉ thu về lợi nhuận 1,5% khi đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, tương đương 1/3 lợi nhuận họ thu về từ trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Thị trường cổ phiếu giảm ảnh hưởng đến cầm thúc đẩy kinh tế của chính phủ khi các doanh nghiệp phải tạm đứng ngoài thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nhà đầu tư trong nước chuyển hướng đầu tư từ cổ phiếu sang đầu cơ bất động sản hay các sản phẩm quản lý tài sản. Điều này dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản và tình trạng đóng băng tín dụng trên thị trường liên nhà băng Trung Quốc như hồi tháng 6 khi chính phủ Trung Quốc can thiệp ngăn bùng nổ tín dụng.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt