Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Động lực cho phát triển

Giáo dục thanh niên là yếu tố bảo đảm cho phát triển

Những số liệu thống kê cho thấy trên thế giới hiện có hơn 1 tỉ thanh niên. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, họ đang sẵn sàng sử dụng các kiến thức, kỹ năng và cơ hội để phát triển và hoàn thiện tiềm năng của mình. Họ cũng đang là người đi tiên phong trong các phong trào phòng chống HIV, trong việc sử dụng công nghệ mới để xây dựng mạng lưới, mở đường cho sự công bằng, bình đẳng của thế kỷ 21…

Tuy nhiên, giới trẻ cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, hiểm họa đang rình rập. Theo các số liệu thống kê, hiện có hơn 1/2 số thanh niên đang sống trong nghèo đói với mức sống không đầy 2 USD mỗi ngày. Khoảng 100 triệu trẻ vị thành niên không được đi học. Mỗi năm có tới 15 triệu trẻ gái vị thành niên phải làm mẹ. Có khoảng 40% trong số ca nhiễm HIV mới thuộc nhóm dân số trẻ từ 15-24 tuổi.

Đáng báo động nhất là vấn đề thất nghiệp trong thanh niên. Ở tất cả mọi nơi trên thế giới, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn cao và nhiều người là nạn nhân của bóc lột và bạo lực. Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong năm 2013, trên thế giới có gần 73,4 triệu thanh niên thất nghiệp, tăng gần 3,5 triệu kể từ năm 2007 và 0,8 triệu so với năm 2011. Nhìn về tương lai, thị trường lao động thanh niên sẽ không được cải thiện trong trung hạn, với một tỷ lệ người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15-24 được dự báo lên đến 12,8% vào năm 2018 so với dự báo 12,3% trong năm 2013.

Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi chiếm tới 90% số thanh niên trên toàn cầu, chất lượng lao động kém và việc làm không ổn định là vấn đề mà thanh niên phải đối mặt. Phần lớn lao động trẻ phải chịu mức lương thấp, điều kiện lao động kém và bảo hiểm xã hội ít ỏi, thậm chí không có. Sự thiếu kĩ năng buộc thanh niên tại các nước đang phát triển phải làm những công việc không ổn định, theo hợp đồng lao động kì hạn ngắn.

Chính vì thế, Liên hợp quốc (LHQ) cùng nhiều tổ chức quốc tế đã phải kêu gọi các nước, đặc biệt là các nước nghèo và chậm phát triển, tăng cường đầu tư vào thanh niên, coi đây là động lực chính thúc đẩy tiến bộ kinh tế - xã hội. Tổ chức Phụ nữ LHQ, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ, Tổ chức Di dân quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới… cũng đều nhấn mạnh rằng các nước cần tận dụng mọi cơ hội và nguồn lực để đầu tư vào thanh niên và phụ nữ.

Định hướng đã rõ, vấn đề còn lại là làm thế nào để khai thác vốn tri thức và sức khỏe của thanh niên để phục vụ cho phát triển. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trong kỷ nguyên thay đổi và không ổn định, thanh niên phải được tạo cơ hội để tham gia quá trình hoạch định chính sách định hình xã hội và định hướng tương lai. Thế giới cần cung cấp cho thanh niên mọi thứ cần thiết để chia sẻ ý tưởng và hành động trên những ý tưởng đó nhằm chống thất nghiệp và đói nghèo, bệnh tật, khắc phục bất bình đẳng giới và mọi hình thức phân biệt đối xử.

Giáo dục có chất lượng là điểm xuất phát cho sự tham gia tích cực và đầy đủ của thanh niên trong tiến trình này. Đầu tư cho giáo dục, nhất là với thanh niên, được coi là loại đầu tư lãi nhất. Đây là loại đầu tư cho tương lai mà người bảo đảm chính là thanh niên.

HOÀNG SƠN