Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Dự án SDU "chém trước, tâu sau"

>>SDU chuyển đổi Dự án 143 Trần Phú để... Vay tiền

>>Chủ nợ làm ầm ĩ tại SDU

>>Dự án nhà ở thương mại đầu tiên của Hà Nội được “đổi vỏ”

>>“Góc khuất” trong triển khai gói 30.000 tỷ đồng

Vay 200 tỷ đồng để triển khai dự án

Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án, ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SDU, chủ đầu tư Dự án cho biết, ngày 27/5, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho chủ đầu tư được chuyển đổi mục đích dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo đó, Công ty được đầu tư Dự án 143, Trần Phú, Hà Đông (khu đất bến xe Hà Đông cũ) với mục đích kinh doanh nhà ở xã hội, bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước.

Chủ đầu tư được phép xây dựng một tòa nhà cao 35 tầng, với quy mô 512 căn hộ, tổng diện tích sàn hơn 48.000 m2; trong đó, chủ đầu tư phải bố trí tầng 2, 3 làm nhà trẻ, khu y tế, trung tâm thể thao để phục vụ các cư dân trong tòa nhà. Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp điện, nước, thoát nước, sân chơi, cây xanh theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.

Tiến độ thực hiện Dự án từ quý III/2013 đến quý IV/2015, cụ thể, trong năm 2013 sẽ hoàn thành phần móng, tầng hầm; năm 2014 hoàn thành phần xây thô và năm 2015 hoàn thiện tòa nhà.

Đặc biệt, ngày 18/7, Sở Xây dựng Hà Nội cũng ra thông báo kể từ ngày 22/7 đến hết ngày 22/8/2013 sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà tại dự án này. Trả lời báo chí ngay tại Lễ động thổ khởi công Dự án, ông Hoàng Văn Anh cho biết, chỉ sau 1 tuần thông báo, chủ đầu tư đã tiếp nhận 400 hồ sơ đăng ký mua nhà. Giá bán dự kiến vào khoảng 14 triệu đồng/m2.

Cũng theo ông Hoàng Văn Anh, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã chấp thuận và chuyển hồ sơ Dự án sang Ngân hàng Nhà nước thẩm định để cho vay vốn ưu đãi trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Số vốn SDU dự kiến sẽ vay để triển khai Dự án khoảng 200 tỷ đồng.

Những gì còn lại sau lễ động thổ khởi công dự án nhà ở xã hội tại 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội - Ảnh: Đức Minh

“Tiền trảm, hậu tấu”

Sau 1 ngày khởi công Dự án, cái còn lại duy nhất mà phóng viên Đầu tư Bất động sản ghi nhận được tại Dự án là vài bông hoa lụa màu đỏ dán lên ngực khách mời bị bỏ lại. Bến xe Hà Đông cũ đã trở lại nhịp sống thường ngày, với hàng chục xe bus, xe taxi ra vào tấp nập.

Trao đổi với ông chủ quán nước “thạo chuyện” tại bến xe thì được biết, Dự án chỉ khởi công lấy lệ vậy thôi, chứ chủ đầu tư chưa trả hết tiền đền bù cho Xí nghiệp Quản lý bến xe nên chưa được phép triển khai xây dựng.

Xác minh thông tin về việc “tiền trảm, hậu tấu” nói trên qua điện thoại, ông Hoàng Văn Anh xác nhận, Dự án hiện vẫn chưa có giấy phép xây dựng. “Chúng tôi khởi công chỉ để lấy ngày, nhằm tránh tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch - PV), đồng thời Công ty cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng để trình cơ quan chức năng phê duyệt”, ông Hoàng Văn Anh nói.

Trao đổi với một cán bộ của Sở Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm liên quan đến dự án này, vị này cho biết cũng có mặt tại Lễ khởi công và cũng biết Dự án chưa có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, vị cán bộ này lý giải “chủ đầu tư chỉ khởi công lấy ngày mà thôi” (!)

Trên thực tế các quy định pháp lý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, kể từ ngày 20/10/2012, “trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng”.

Điều đáng nói là đến tham dự Lễ động thổ khởi công Dự án 143 Trần Phú, có rất nhiều quan chức đại diện cho các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hà Đông… Sự rầm rộ với đầy đủ các quan khách này vô hình trung khiến cho 1 sự vi phạm càng trở nên "nổi tiếng"!?.