Toàn cảnh lăng vua Dục Đức Lên ngôi theo di chiếu của vua Tự Đức để lại, chưa kịp đặt niên hiệu, vị vua trẻ được gọi tên dựa theo tư thất của mình là Dục Đức Đường. Nhưng chỉ 3 ngày sau, vua Dục Đức đã bị phế vì tội dám lược bỏ một đoạn văn trong di chiếu truyền ngôi của tiên quân và bị tống ngục. Ngày 24-10-1884, ông vua bất hạnh này chết đói trong nhà đá sau 7 ngày không được ăn uống. Các hậu duệ của vua đang sống ở Huế kể lại: Hôm vua Dục Đức chết, triều đình không cho thân nhân của vua biết để lo cỗ áo. Thây vị phế đế chỉ được bó sơ sài bằng một chiếc chiếu giao cho hai tên lính và một viên Quyền Suất đội gánh đi chôn. "Đám tang” của ông vua bất hạnh này được đưa về An Cựu để chôn cất trong địa phận chùa Tường Quang (chùa do một người nhà bên vợ của vua Dục Đức lập ra năm 1871). Gần đến nơi thì tử thi nhà vua bị rớt giữa đường do đứt dây, một người lính đã chạy vào chùa Tường Quang mời nhà sư trụ trì ra giải quyết. Đêm đó, do đang là mùa đông nên trời mưa gió lạnh lẽo và ướt át, mọi người bàn với nhau, có lẽ đây là chỗ nhà vua muốn an nghỉ, và họ tán thành chọn nơi đây là mảnh đất "thiên táng” (trời chôn) để làm nơi yên giấc nghìn thu cho vua Dục Đức. Nấm mồ của nhà vua chỉ được lấp đất dối cho xong chuyện. Mấy hôm sau, bà vợ chính của vua Dục Đức mới được triều đình cho phép lên thăm mộ chồng và làm lễ chịu tang. 6 năm sau, do một cảnh ngộ oái ăm của lịch sử, người con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phước Bửu Lân được đưa lên ngai vàng (1889) với niên hiệu là Thành Thái. Vua Thành Thái bắt đầu cho xây đắp lăng tẩm của vua cha ngay trên nấm mồ "Thiên táng” đó, và đặt tên là An Lăng nhưng chưa có điện thờ. Mọi lễ thức phụng dưỡng vua Dục Đức đều được tổ chức ở chùa Tường Quang, cách đó 200m. Vào năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng tiếp điện Long Ân phía hữu lăng mộ, làm nơi thờ tự vua cha. Ngoài điện Long Ân, vua Thành Thái còn cho xây cất các công trình phụ như Tả, Hữu Phối Đường (trước); Tả, Hữu Tùng Viện (sau) dành cho 7 bà vợ thứ của vua cha ăn, ở, lo việc thờ cúng, khói hương. Năm 1906, sau khi bà Từ Minh - vợ chính của vua Dục Đức khuất, triều đình cho chôn cất tử thi của bà bên phải mộ vua Dục Đức theo thế "Càn, Khôn hiệp đức” như ở lăng Gia Long. So với các lăng mộ khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Lăng gồm hai khu vực: điện Long Ân và lăng mộ vua cùng Hoàng hậu, đều lấy cồn Phước Quả ở đàng trước làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm nguyên tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm. Khu vực lăng tẩm hình chữ nhật, có diện tích 3.445m², bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Muốn vào thăm lăng phải đi qua hai cổng tam quan, có mái giả bằng xi măng. Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình, thay thế cho nhà bia. Bên trong nhà Huỳnh Ốc không có bi ký, thay vào đó là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án và hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà vua. Phần mộ vua Dục Đức Làm vua được 18 năm (1889 - 1907), Thành Thái có những tư tưởng yêu nước và hoạt động chống Pháp nên bị truất ngôi. Con trai vua Thành Thái là Hoàng tử Vĩnh San được đưa lên ngai vàng, đặt niên hiệu Duy Tân, trị vì được 8 năm (1907 - 1916) thì bị Pháp bắt vì tội "tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Thái Phiên và Trần Cao Vân”. Chính phủ bảo hộ đã lưu đày biệt xứ hai ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân sang đảo Réunion. Năm 1953, vua Thành Thái được trở về nước, sống ở Sài Gòn. Ông mất vào năm 1954 và được tôn thất rước thi thể về chôn trong khuôn viên của lăng Dục Đức. Sau khi vua Duy Tân chết bởi một tai nạn máy bay ở Trung Phi (1945), thì năm 1987, hài cốt nhà vua được bốc mả và đưa từ Trung Phi về chôn cạnh mộ vua Thành Thái. Hiện giờ An Lăng là khu mộ chung của 3 đời làm vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu), có nhẽ thế mà dân gian thường gọi đây là lăng ba vua. Việc xây dựng lăng vua Dục Đức phản chiếu một thời kỳ lịch sử lắm biến cố, đầy biến động của vương triều nhà Nguyễn. Nhưng có một điều tốt đẹp luôn có mặt ở khu lăng tẩm này, đó là có sự hiện hữu hai ngôi mộ của hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân - những người dám đổi ngai rồng để giành độc lập, chủ quyền cho dân tộc để rồi chọn cái chết và chôn trong những nấm mồ đơn sơ, giản dị như tấm lòng của hai ông. Nếu ai đến Huế, và muốn thăm lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn, xin hay một lần ghé thăm lăng Dục Đức, đốt một nén nhang nghiêng mình tưởng niệm anh linh của hai nhà vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân, và cũng để hương hồn của vị vua bất hạnh Dục Đức được ấm hơn trong cõi Niết bàn. Xuân Vinh [Bài 1: Nghiệp đế và ngôi nhà vĩnh hằng sau cái chết] [Bài 2: Nơi yên nghỉ của niềm tin] [Bài 3: Hành cung thứ hai của vị vua thi sĩ] [Kỳ cuối: Tòa lâu đài của nhiều trường phái kiến trúc] |